Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tin rằng công nghệ thông tin sẽ làm logistics “cất cánh” ở Việt Nam trên các nền tảng robot tự làm, định vị dẫn đường, giám sát, ứng dụng quét mã vạch trong quản lý kho bãi, tích hợp dịch vụ quản lý đơn hàng, bán hàng trực tuyến...
Hôm nay (23/11), tại Đà Nẵng, Diễn đàn Logistics Việt Nam 2019 với chủ đề “Nâng cao giá trị nông sản” chính thức khai mạc dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ.
Diễn đàn Logistics Việt Nam lần thứ 7 là sự kiện thường niên lớn nhất về ngành dịch vụ logistics. Tham dự chuỗi sự kiện của diễn đàn gồm nhiều đại biểu thuộc các tập đoàn doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp FDI, trên 30 đoàn quốc tế dọc tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây, các khối ASEAN, Trung Quốc và một số đoàn từ Châu Âu, hơn 50 chuyên gia trong nước và quốc tế các lĩnh vực kinh tế, nông nghiệp, logistics, công nghệ 4.0…
Nhấn để phóng to ảnh
Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ phát biểu tại Diễn đạt Logistics Việt Nam 2019
Đặt mục tiêu kỳ vọng “khơi thông dòng chảy logistics”, Diễn đàn Logistics Việt Nam 2019 tiếp tục đề cập và bàn thảo những vấn đề về chiến lược và thực tiễn của ngành logistics Việt Nam trong mối tương quan với bối cảnh kinh tế trong nước, quốc tế và trước xu hướng phát triển của công nghệ số.
Diễn đàn Logistics 2019 tập trung phân tích và đề xuất giải pháp phát triển logistics hành lang kinh tế Đông Tây, các mô hình kinh tế chia sẻ trong logistics và đặc biệt nhận diện và hiến kế các giải pháp có tính đột phá và thực tiễn nhằm thúc đẩy logistics nâng cao giá trị nông sản của Việt Nam.
Diễn đàn này cũng đặt mục tiêu tăng cường kết nối đa phương, kết nối chuỗi giá trị tạo nền tảng bền vững nâng cao giá trị đóng góp của logistics trong tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cả nước trong những năm tới.
Nhấn để phóng to ảnh
Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuân Anh phát biểu tại Diễn đàn Logistics Việt Nam 2019
Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh: "Không chỉ là tăng quy mô về tài chính, tôi tin rằng, vấn đề lớn hơn là phạm vi tiếp cận đối với hoạt động logistics, phải tham gia chuỗi, khả năng và tính liên kết cũng cần đặt ra. Tôi muốn nhấn mạnh, phát triển logistics trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, nâng cao giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh cho các ngành kinh tế khác.".
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng trong thời gian tới cần tăng cường hợp tác mạnh mẽ hơn nữa ở 3 cấp từ Chính phủ đến các Bộ, ngành, địa phương và Hiệp hội doanh nghiệp trong phát triển ngành logistics.
Hiện Việt Nam có 4.000 doanh nghiệp logistics, trong đó 88% là doanh nghiệp trong nước, 10% là doanh nghiệp liên doanh, 2% là doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài. Trong khi đó, doanh nghiệp trong nước quy mô nhỏ lẻ, phân tán, chủ yếu làm đại lý hoặc đảm nhận từng công đoạn trong chuỗi logistics quốc tế.
Nhấn để phóng to ảnh
Diễn đàn Logistics Việt Nam 2019 được tổ chức tại Đà Nẵng
Ông Nguyễn Xuân Cường - Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - cho biết: Sau 33 năm đổi mới, Việt Nam đã chủ động trong việc hội nhập nền kinh tế. Tuy nhiên, nền kinh tế Việt Nam phát triển chưa bền vững, chưa sâu.
“Nông sản của Việt Nam đi 185 nước thế giới, đây là niềm từ hào. Tuy nhiên, nông sản của Việt Nam đi chợ thế giới còn nặng, thô, ngắn. Logistics làm cho giá trị nông sản dài hơn, sâu hơn. Đây mới là khâu bền vững, trường tồn” - ông Cường thông tin.
Ông Cường cũng cho rằng, logistic không phải là nhiệm vụ của ông Bộ trưởng mà là của mọi người, mọi ngành. Đây là một chuỗi giá trị, chuỗi ngành, ai cũng phải có trách nhiệm. Đây là một nguyên tắc.
Theo ông Cường, logistics giúp nông sản tạo ra giá trị, vì thế không nên coi logistics nào cũng là ngành trung gian, là công cụ điều phối mà đó là ngành kinh tế tạo ra giá trị.
Nhấn để phóng to ảnh
Các đại biểu cùng thảo luận tại Diễn đàn Logistics Việt Nam 2019
Tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ tin tưởng rằng việc ứng dụng công nghệ thông tin là yếu tố giúp cho dịch vụ logistics “cất cánh”.
"Các giải pháp trên thế giới đang dùng mà chúng ta cũng đang học tập. Ví dụ như dùng robot thay cho con người trong các khâu dịch vụ logistics, xe chở hàng tự động, thiết bị theo dõi, quản lý, chỉ đường, giám sát và kiểm soát lao động hàng ngày trong hoạt động logistics..." - Phó Thủ tướng nói và cho biết Logistics là thiên đường cho khởi nghiệp sáng tạo, nhất là trong lĩnh vực ứng dụng công nghệ thông tin và các mô hình kinh doanh logistics.
Phó Thủ tướng cũng đề nghị trong thời gian tới cần tập trung xây dựng và phát triển các loại hình doanh nghiệp logistics có năng lực cạnh tranh cao, ứng dụng công nghệ hiện đại nhằm phát triển bền vững thị trường logistics ở cả trong nước và khu vực.
Lãnh đạo Chính phủ cũng lưu ý đối với các Hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp của Việt Nam, cần quán triệt quan điểm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh nhằm tăng thêm phần giá trị gia tăng của các sản phẩm, hàng hóa xuất khẩu, tránh xuất khẩu các sản phẩm, hàng hóa sơ chế, có khối lượng lớn nhưng giá trị thấp gây ảnh hưởng đến chi phí vận tải.